Bồi dưỡng kiến thức cho kiểm toán viên: VACPA phát huy vai trò tiên phong

Tin Kế Toán - Tài Chính
Facebook0
LinkedIn

Việt Nam đang trong tiến hình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, trong đó, hội nhập về lĩnh vực kế toán, kiểm toán luôn được đặt ra như một trọng tâm.

Theo đó, ngành nghề kế toán, kiểm toán Việt Nam cần thể hiện rõ vai trò của mình trong quá trình hội nhập và đồng nhất chuẩn mực kế toán và kiểm toán theo tiêu chuẩn quốc tế. Thực tế đó đặt ra yêu cầu mỗi kiểm toán viên (KTV) cần phải liên tục đào tạo và tự đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như cần nâng cao vai trò của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam trong việc bồi dưỡng kiến thức cho KTV.

Yêu cầu cao về năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp

Nền kinh tế Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới và cải cách đang đứng trước những yêu cầu ngày càng cấp bách để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Hơn nữa, những lĩnh vực tài chính mới như thị trường chứng khoán, thị trường vốn, giao dịch tài chính với các hoạt động tài chính từ đơn giản đến phức tạp yêu cầu ngành nghề kế toán có những chuyển mình mạnh mẽ để góp phần cơ cấu lại một nền kinh tế năng suất cao, chất lượng, hiệu quả và giàu sức cạnh tranh.

Theo báo cáo “Việt Nam 2035” của Ngân hàng Thế giới, để hướng đến là một quốc gia thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, Việt Nam bắt đầu quá trình thực hiện hàng loạt các cải cách để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có mức thu nhập cao, đồng thời chú trọng đến việc cải thiện chất lượng báo cáo tài chính doanh nghiệp, tiếp cận thông tin tài chính, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đây cũng là những đòi hỏi cấp thiết của một nền kinh tế công nghệ số trong thời đại khoa học công nghệ hiện nay.

Nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam được đánh giá đông về số lượng, được đào tạo ở các cấp độ khác nhau, chủ yếu ở cấp bậc cao đẳng và đại học. Điểm nổi bật của nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam là tính cần cù, thông minh và ham học hỏi. Trong những năm gần đây, người kế toán viên, KTV không chỉ theo học bằng cấp học thuật đúng chuyên môn mà còn quan tâm tham gia thi chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế trong lĩnh vực kế toán tài chính, nhằm đáp ứng yêu cầu công việc với những đặc thù mới, thậm chí để có thể nắm giữ được những vị trí công việc kế toán tài chính hoàn toàn mới với những đòi hỏi trình độ chuyên môn và kỹ năng quản trị phức tạp.

Xem thêm: 3 Nguyên Tắc Cơ Bản Của Kiểm Toán Nội Bộ

Bên cạnh những ưu điểm trên, nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam cũng có những hạn chế nhất định vừa mang tính khách quan vừa mang tính chủ quan. Cụ thể như chương trình đào tạo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam chưa được cập nhật theo thông lệ quốc tế IFRS; trình độ ngoại ngữ thấp làm hạn chế khả năng hội nhập khu vực và quốc tế; tư duy người làm kế toán kiểm toán còn mang tính tuân thủ, thiếu chủ động, sáng tạo; chất lượng công việc chưa cao do thiếu các kỹ năng mềm và còn có những hạn chế về chuyên môn, công nghệ, phân tích dữ liệu…

Đào tạo theo hình thức hiện đại, chuẩn mực

Kiểm toán là nghề nghiệp đòi hỏi yêu cầu cao đối với KTV về năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và những kỹ năng bổ trợ cần thiết khác phục vụ cho công việc kiểm toán. Điều này đặt ra sự cần thiết cho mỗi KTV phải đào tạo và tự đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn.

Xuất phát từ thực tế yêu cầu của nghề nghiệp, trong những năm qua, VACPA luôn coi đào tạo, cập nhật kiến thức (CNKT) cho KTV là hoạt động chính của hội, vì đây là hoạt động mang lại lợi ích thiết thực nhất cho hội viên. Các khóa đào tạo và CNKT không những giúp các hội viên theo kịp các tiêu chuẩn chuyên môn hiện tại của nghề nghiệp, mà còn đảm bảo rằng họ duy trì và nâng cao kiến thức và kỹ năng cần thiết để cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp cho khách hàng của họ…

Để hoạt động đào tạo, CNKT có tính hệ thống bài bản và chuyên nghiệp nhằm đáp ứng được các yêu cầu hết sức đa dạng về chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của các KTV, hội đã tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm trên cơ sở kế thừa và đổi mới liên tục, đáp ứng kịp thời yêu cầu của ngành nghề và xã hội. Trong đó, hội chú trọng nâng cao chất lượng toàn diện vào tất cả các mặt từ chương trình đào tạo, nội dung đào tạo, tần suất đào tạo, đến đội ngũ giảng viên, công tác tổ chức và quản lý lớp học, dịch vụ chăm sóc hội viên…

Trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tập trung triển khai đổi mới và cải tiến về nội dung và chất lượng đào tạo, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích của các hội viên. Cụ thể như, nâng cao chất lượng đào tạo hành nghề kiểm toán tuân thủ Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và quốc tế; tập trung đào tạo theo IFRS và chuẩn mực kế toán và kiểm toán mới để phù hợp với Quyết định 345/QĐ/BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam.

Cùng với đó, hội sẽ nghiên cứu áp dụng hình thức đào tạo và tư vấn trực tuyến, các khóa học online; triển khai tổ chức đào tạo CNKT những chuyên đề mới đáp ứng về quản trị, phân tích dữ liệu, kiểm toán công nghệ thông tin, blockchain…

VACPA được Bộ Tài chính giao trách nhiệm bồi dưỡng kiến thức cho kiểm toán viên, kiểm toán viên hành nghề; soạn thảo, cập nhật hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam; tham gia tổ chức thi và phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán theo Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ngày 29/3/2011, Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 và các quy định pháp luật khác có liên quan.
VACPA đã được Bộ Tài chính chấp thuận tổ chức cập nhật kiến thức hàng năm cho kiểm toán viên hành nghề từ năm 2006 và từ tháng 3/2017 được Bộ Tài chính chấp thuận tổ chức cập nhật kiến thức cho kế toán viên đăng ký hành nghề theo Quyết định số 567/QĐ-BTC ngày 28/3/2017.

Ts. Trần Đình Cường Phó Chủ tịch VACPA, Tổng Giám đốc EY Việt Nam

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn

 

 

 

Facebook0
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.