Cần kiểm toán báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp

Tin doanh nghiệp Tin Kế Toán - Tài Chính
Facebook0
LinkedIn

Pháp luật cũng như thực tiễn hoạt động kiểm toán đang đặt ra yêu cầu đối với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) là phải quan tâm hơn đến việc phân tích, sử dụng các thông tin trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ (BCLCTT) của DN. Tuy nhiên, hiện nay, nội dung kiểm toán này vẫn còn bỏ ngỏ.

BCLCTT là một bộ phận cấu thành của báo cáo tài chính do đơn vị kế toán lập và trình bày, tổng hợp biến động dòng tiền vào – ra của DN. Việc kiểm toán BCLCTT nhằm xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo; đánh giá các rủi ro tiềm tàng cũng như tính tuân thủ, hợp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN so với chế độ chính sách hiện hành; từ đó đưa ra các kiến nghị đối với hoạt động của DN và các cơ quan có liên quan nhằm giúp DN có thể hoạt động tốt hơn trong tương lai.

Kiểm toán báo cáo lưu chuyển tiền tệ – yêu cầu cần thiết

Hiện tại, quy mô vốn và doanh thu của DNNN vẫn rất lớn. Đến hết năm 2018, cả nước có 490 DNNN, trong đó có 6 tập đoàn kinh tế, 55 tổng công ty (chưa tính số DN có vốn nhà nước) với tổng tài sản ước đạt trên 1,8 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 1 triệu tỷ đồng. Riêng năm 2018, DNNN đạt tổng doanh thu 193.510 tỷ đồng và lãi 26.425 tỷ đồng, duy trì đóng góp từ 26 – 28% tăng trưởng GDP, chiếm 24,82% ngân sách năm. Quy mô này đòi hỏi DNNN phải minh bạch thông tin, nâng cao hiệu quả giám sát để đáp ứng yêu cầu phát triển. Do đó, việc kiểm toán BCLCTT giúp DN tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý càng trở nên cần thiết.

Phân tích BCLCTT là một nội dung trong cuộc kiểm toán báo cáo tài chính được quy định tại Luật KTNN, Luật Kế toán và Chuẩn mực KTNN. Thời gian qua, KTNN đã bước đầu đánh giá một số nội dung có liên quan đến BCLCTT như: công tác quản lý, sử dụng tiền tại đơn vị, khả năng tài trợ cho các hoạt động dựa trên dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (Công ty mẹ EVN). Tuy nhiên, hiện tại, KTNN giới hạn không thực hiện kiểm toán BCLCTT.

Việc chưa thực hiện kiểm toán BCLCTT dễ dẫn đến kết luận kiểm toán tiềm ẩn một số rủi ro. Theo đó, kiểm toán viên (KTV) có thể đưa ra kết luận chưa chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nếu chỉ xem xét chỉ tiêu lợi nhuận ròng trong năm. Thậm chí, KTV có thể không phát hiện được những gian lận, sai sót liên quan đến tình hình tài chính cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN như: DN có thể có lợi nhuận rất cao nhưng lại không đủ tiền để trả cổ tức, lợi nhuận cho cổ đông, chủ sở hữu hay thanh toán các nghĩa vụ đến hạn; các chỉ tiêu của BCLCTT nếu không chính xác sẽ khiến nhà đầu tư, nhà quản lý ra quyết định sai lầm…

Thực tế cho thấy, tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã làm gia tăng mức độ tinh vi, phức tạp trong các hành vi gian lận hoặc sai sót của DN. Điều này đòi hỏi KTNN phải quan tâm hơn đến việc phân tích, sử dụng các thông tin trong BCLCTT.

Đưa việc phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ vào thực tiễn kiểm toán

Để đưa việc phân tích BCLCTT vào thực tiễn hoạt động kiểm toán, trước hết, KTNN cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành hướng dẫn việc phân tích các chỉ tiêu trong BCLCTT của DNNN đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế và hoạt động của KTNN; đồng thời chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, phương pháp kiểm toán BCLCTT cho các KTV.  Cùng với đó, KTNN cần thực hiện tốt 3 nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, KTNN cần định hướng bổ sung hoạt động phân tích BCLCTT khi xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm toán. Để phục vụ cho việc lập kế hoạch kiểm toán, KTV cần thu thập thông tin, hồ sơ tài liệu như: chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển 5 năm và kế hoạch hằng năm của DN; quy chế nội bộ liên quan đến chính sách kinh doanh, quản lý công nợ, đầu tư mua sắm, huy động vốn của đơn vị; tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kế hoạch đầu tư… KTNN cần nắm bắt, phân tích thông tin về hoạt động của đơn vị từ nhiều nguồn khác nhau để đưa ra trọng tâm, mục tiêu kiểm toán phù hợp; đưa nội dung kiểm toán BCLCTT vào kế hoạch kiểm toán tổng quát của đoàn kiểm toán, kế hoạch kiểm toán chi tiết của tổ kiểm toán.

Thứ hai, phân công KTV có năng lực đóng vai trò tổng hợp thông tin theo luồng tiền của từng hoạt động được trình bày trong BCLCTT. Đồng thời, phân công KTV thực hiện đồng thời việc kiểm toán các nội dung trong bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và BCLCTT của DN do các nội dung này có liên quan với nhau như: kiểm toán doanh thu bán hàng kết hợp kiểm toán phải thu khách hàng, người mua trả tiền trước và chỉ tiêu biến động tăng giảm khoản phải thu; kiểm toán phải trả người bán kết hợp kiểm toán hàng tồn kho và chỉ tiêu tăng giảm hàng tồn kho, tăng giảm các khoản phải trả; kiểm toán doanh thu, chi phí tài chính, chênh lệch tỷ giá hối đoái, kết hợp kiểm toán các chỉ tiêu của luồng tiền từ hoạt động tài chính… Bước đầu thực hiện thí điểm kiểm toán, phân tích BCLCTT tại một số đơn vị được kiểm toán, qua đó rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả của việc phân tích để áp dụng cho các cuộc kiểm toán tiếp theo.

Thứ ba, khi kiểm toán các nội dung trong BCLCTT, KTV cần lưu ý phân tích các nội dung: biến động tổng thể dòng tiền của DN; biến động của lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính; biến động của tiền và tương đương tiền cuối kỳ. Việc phân tích những nội dung này giúp KTV trả lời được các câu hỏi: hoạt động kinh doanh của DN có tốt không, DN đang tạo ra tiền từ đâu và sử dụng tiền cho những hoạt động nào… từ đó kiến nghị, khuyến cáo DN nâng cao hiệu quả công tác quản trị hoặc sửa đổi chính sách kinh doanh (nếu có), góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của KTNN.

Facebook0
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.