Thị trường xác lập 4/5 phiên tăng điểm tuần qua đã nối dài hơn xu hướng tăng hiện tại. Mặc dù VN-Index tăng chung cuộc 3,1% hay 25,7 điểm nhưng không nhiều cổ phiếu đạt được mức tăng tương tự.
Nếu coi chỉ số là đại diện cho thị trường thì xu hướng tăng là rõ ràng. Tuy vậy chỉ số VN-Index không thực sự phản ánh được sức mạnh chung trong tuần qua. Các chỉ số của nhóm vốn hóa trung bình VNMidcap lẫn chỉ số vốn hóa nhỏ VNSmallcap tăng chỉ tăng 1%.
Chỉ số duy nhất mạnh hơn VN-Index là VN30-Index có mức tăng 3,8%. Điều này khẳng định sức mạnh đã trở lại trong nhóm blue-chips và đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường không điều chỉnh. Những cổ phiếu đóng góp nhiều nhất trong mức tăng 25,7 điểm của VN-Index tuần qua là VCB (đóng góp 5,4 điểm), VHM (4,8 điểm), HPG (3,1 điểm), CTG (2,1 điểm), VNM (1,8 điểm), GAS (1,7 điểm). Chỉ 6 cổ phiếu này đã giúp chỉ số có xấp xỉ 19 điểm.
Đối với VN30-Index, mức tăng 29 điểm tuần qua chủ yếu đến từ HPG (8,5 điểm), VCB (2,7 điểm), VNM (2,7 điểm), TCB (2,6 điểm), VHM (2,6 điểm) EIB (2,1 điểm), CTG (1,9 điểm). 7 cổ phiếu này đóng góp 23,1 điểm.
Có thể thấy loanh quanh vẫn là các cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt các chỉ số tăng. Vai trò nổi bật là nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhóm Vin. Kể từ sau đợt điều chỉnh rổ cổ phiếu VN30-Index tháng 4 vừa qua, các cổ phiếu ngân hàng đã tăng mạnh tỷ trọng trong chỉ số này. Số liệu đến ngày 22/5, 9 mã ngân hàng chiếm 36,57% chỉ số VN30-Index và 3 mã “họ Vin” (VIC, VHM, VRE) chiếm 14,3%.
Phiên giao dịch cuối tuần thị trường sụt giảm mạnh gần 10 điểm ở chỉ số VN-Index cũng là do ảnh hưởng của các cổ phiếu vốn hóa lớn quay đầu. VIC, VHM, TCB, GAS, MSN là 5 cổ phiếu tệ nhất. Vì vậy nếu coi xu hướng của thị trường là tiếp tục tăng bằng diễn biến của VN-Index thì thực tế, xu hướng là của một số cổ phiếu vốn hóa lớn nhất.
Không khó để nhận thấy tuy các chỉ số tiếp tục tăng lên mốc cao mới tuần qua – được diễn giải đồng nghĩa với xu hướng tăng – thì cổ phiếu không hẳn là mạnh hơn. Trong phân tích kỹ thuật, xung lực tăng thật sự của thị trường được còn được đánh giá bằng khả năng tăng cao hơn của các cổ phiếu trong rổ. Khi chỉ số tăng lên đỉnh cao mới mà không có nhiều cổ phiếu đạt đỉnh cao tương ứng thì động lực chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ cổ phiếu có khả năng kéo chỉ số.
Lấy ví dụ chỉ số VN30-Index, bao gồm tập hợp 30 mã. Chỉ số này tuần qua đã tăng cao hơn mức đỉnh gần nhất (ngày 13/5) nhưng không nhiều cổ phiếu vượt đỉnh tương tự. VCB, CTG, EIB, HPG, TCB, VHM là những cổ phiếu hiếm hoi đạt được đỉnh cao mới. Chỉ 6/30 cổ phiếu không thể coi là đại diện cho chỉ số.
Vậy điều gì đang xảy ra cho các cổ phiếu còn lại? Trong xu hướng tăng có độ tin cậy cao, khi thị trường tăng cao hơn thì cổ phiếu cũng phải tăng theo. Nếu điều ngược lại xảy ra nghĩa là dòng tiền đang tập trung đẩy giá ở số ít cổ phiếu, số còn lại đang gặp rắc rối về phía bán: Đã có áp lực chốt lời đủ lớn để kiềm chế khả năng tăng giá theo thị trường. Đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn tới việc chốt lời ở các cổ phiếu cụ thể, hơn là để giành cổ phiếu nhằm bám theo xu hướng tăng của chỉ số.
Thực trạng này dẫn tới một hệ quả là nhà đầu tư sẽ cảm thấy sự chậm nhịp trong danh mục của mình: Chỉ số đem lại lợi nhuận tốt nhưng giá trị danh mục thì tăng ít hoặc đứng im, thậm chí là giảm. Do đó khi xuất hiện hiện tượng phân hóa giữa số lượng cổ phiếu tăng giá với đà tăng của chỉ số thì nhà đầu tư nên quan tâm đến danh mục cụ thể hơn là chỉ số, vì xét cho cùng, nhà đầu tư không thể kiếm lợi nhuận từ mức tăng của chỉ số được, mà phải là mức tăng giá cổ phiếu đã mua.
Với khả năng nâng giá của các cổ phiếu trụ, xu hướng của các chỉ số sẽ vẫn là tăng. Nếu số lượng cổ phiếu tăng giá – hay còn gọi là độ rộng thị trường – càng ngày càng giảm, sẽ tới một thời điểm các trụ cũng quay đầu và đà tăng kết thúc ở chỉ số. Cảm nhận của nhà đầu tư về thị trường sẽ khác nhau, thậm chí là trái ngược ở giai đoạn hiện tại, tùy vào việc nắm giữ cổ phiếu nào.
Yếu tố duy nhất khiến giai đoạn phân hóa này chưa kết thúc một cách rõ ràng là thanh khoản còn quá lớn. Thanh khoản lớn nghĩa là thị trường vẫn có được dòng tiền vào mua tích cực, đối chọi lại áp lực chốt lời. Tuần qua mức giao dịch khớp lệnh bình quân mỗi ngày đạt khoảng 5.049 tỷ đồng, chỉ giảm gần 5% so với tuần trước.
Thị trường đã có hai tuần liên tục mức giao dịch khớp lệnh bình quân trên 5.000 tỷ đồng/phiên. Đây là kỷ lục chưa từng có kể từ đầu tháng 10/2018. Do vậy dòng tiền trên thị trường đang ở mức cao hiếm có. Nếu dòng vốn này vẫn chưa cạn, hoàn toàn có cơ hội cho thị trường đi lên cao hơn. Ngược lại, nếu dòng tiền đã đạt đỉnh, giai đoạn phân phối hiện tại sẽ làm suy yếu xu hướng và có khả năng điều chỉnh. Xét cho cùng thì quy mô lượng tiền của nhà đầu tư sẽ không thể gia tăng kịp với mức tăng giá của cổ phiếu.
Trọng Nghĩa
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn