Chuyển đổi hoạt động Kiểm toán nội bộ: sự cần thiết & giải pháp định hướng đối với các NHTM VN (P.1)

Kiểm Toán Nội Bộ Tin Kế Toán - Tài Chính
Facebook0
LinkedIn

Hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam bao gồm các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân. Các ngân hàng thương mại được cấp phép thực hiện cung cấp các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng và vì mục đích lợi nhuận. Hoạt động kiểm toán nội bộ của ngân hàng (sau đây gọi tắt là KTNB) được thành lập và trực tiếp báo cáo Ban Kiểm soát, là cơ quan kiểm soát do Đại hội đồng cổ đông của ngân hàng bầu ra.

Các ngân hàng thương mại trong nước dưới sức ép tái cơ cấu

Cuộc khủng hoảng tài chính từ năm 2008 đã làm nảy sinh nhiều tồn tại và thách thức cho nền kinh tế Vệt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Theo các báo cáo của VCBS, vào cuối năm 2010, hệ thống ngân hàng Việt Nam có gần 100 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bao gồm 5 ngân hàng thương mại nhà nước, 37 ngân hàng thương mại cổ phần, 53 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 5 ngân hàng liên doanh. Trong giai đoạn từ 2008 đến 2011, hệ thống ngân hàng đối mặt với tình trạng bất ổn, bao gồm: (i) tình trạng lãi suất thị trường cao, có thời điểm lên tới 25 – 35% năm; (ii) thực trạng và cấu trúc các khoản nợ xấu cao trực tiếp tác động đến khả năng hoạt động bền vững của nhiều ngân hàng; (iii) khó khăn thanh khoản và một số ngân hàng đứng trước nguy cơ phá sản. Thực trạng này gửi đi thông điệp ngành Ngân hàng đang đứng trước rủi ro dễ bị tổn thương hệ thống và buộc các nhà làm chính sách, cơ quan quản lý đưa ra gói hỗ trợ lãi suất & Chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011 – 2015, sau đó là Chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng lần thứ hai, giai đoạn 2016 – 2020.

Xem thêm: Chứng chỉ CIA là gì và tại sao bạn nên học chứng chỉ CIA

Vào cuối năm 2015, sau một số thương vụ sáp nhập và mua lại bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước, số lượng ngân hàng thương mại trong nước giảm xuống con số 33. Các tổ chức tín dụng thuộc đối tượng buộc bị sáp nhập & mua lại bắt buộc với giá không đồng, thường đối mặt với thanh khoản cạn kiệt hoặc đối mặt với nguy cơ phá sản với vốn chủ sở hữu âm tại thời điểm đánh giá. Theo Vietnambiz, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đã chỉ ra năm nguyên nhân chủ quan gây nên tình trạng nợ xấu cao và vấn đề của hệ thống ngân hàng, bao gồm: (i) sự yếu kém và quy trình thủ tục tín dụng không hiệu quả, tạo cơ hội cho nhân viên ngân hàng và khách hàng xấu lợi dụng để trục lợi cá nhân. Hệ thống kiểm soát nội bộ yếu kém và đạo đức nghề nghiệp không được coi trọng; (ii) một số lượng cán bộ ngân hàng vi phạm nguyên tắc đạo đức, cấu kết với đối tượng lừa đảo và khách hàng xấu nhằm vượt qua các chốt kiểm soát; (iii) chương trình tái cấu trúc trong năm năm qua đã đạt được nhiều kết quả bước đầu nhưng chưa thể giải quyết hết các yếu kém căn bản của hệ thống ngân hàng và tình trạng nợ xấu cao; (iv) nguồn lực tài chính còn hạn chế của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước; và (v) sự bất cập trong công tác thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa đáp ứng được sự phát triển của các tổ chức tín dụng trong giai đoạn mới, cùng với năng lực của cán bộ thanh tra còn hạn chế và một vài trường hợp còn cố tình vi phạm pháp luật.

Các hạn chế của kiểm toán nội bộ (KTNB) và thách thức

Cùng với Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã từng bước xây dựng cơ sở pháp lý nền tảng cho hệ thống kiểm soát nội bộ và đặt kiểm toán nội bộ trong vai trò lớp phòng thủ thứ ba, cùng với lớp phòng thủ thứ nhất và thứ hai tương ứng với việc vận hành và giám sát hệ thống kiểm soát nội bộ, đã được quy định trong Thông tư 44(6) và Thông tư 13(7) (thay thế cho Thông tư 44 từ ngày 01/01/2019 tới đây).

Kiểm toán nội bộ đã được thể chế & cung cấp hành lang pháp lý phù hợp để vận hành hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế, kiểm toán nội bộ đang có nhiều hạn chế và đối diện với không ít thách thức tác động đến hiệu quả hoạt động của nó. Từ quan điểm thực tế chỉ đạo và vận hành công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ trong ngân hàng thương mại, tác giả tổng kết, phân tích các hạn chế của kiểm toán nội bộ của các ngân hàng trong nước theo các góc độ sau:

Thứ nhất, về vị thế.

Kiểm toán nội bộ và kiểm soát nội bộ là hai thuật ngữ thường hay bị hiểu và sử dụng lẫn lộn với nhau. Một số lượng lớn nhân viên, thậm chí nhiều cán bộ quản lý cũng chưa hiểu đúng vai trò của KTNB. Trong một khoảng thời gian dài, kiểm toán nội bộ vẫn được coi là “phải có” theo luật, nhưng chưa mang lại nhiều đóng góp cho tổ chức do việc kiểm toán nội bộ còn chủ yếu tập trung vào kiểm tra phát hiện các sai sót và việc tuân thủ trong việc thực hiện quy định, quy trình giao dịch, tín dụng. Việc kiểm tra thường thực hiện sau khi sai sót, sai phạm đã xảy ra. Một thực tế đáng lo ngại là nhiều phát hiện và kiến nghị của KTNB còn ít được các cán bộ quản lý điều hành quan tâm và họ chưa thực sự chú trọng đến các biện pháp chỉnh sửa do các lỗi tuân thủ đã xảy ra trong quá khứ. Với việc khung pháp lý về hoạt động kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ theo Thông tư 13 được hoàn thiện theo hướng chuẩn mực, kiểm toán nội bộ đòi hỏi phải tăng cường vai trò chủ động trong công tác quản trị rủi ro và tập trung vào cung cấp các dịch vụ đảm bảo. Kiểm toán nội bộ sẽ trở thành cánh tay đắc lực cho Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc trong việc giám sát các hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ và việc tuân thủ các quy định pháp luật. Do vậy, vị thế của kiểm toán nội bộ phụ thuộc vào cách thức chuyển đổi của nó hướng tới vai trò cung cấp các dịch vụ đảm bảo, tư vấn và mức độ tham gia của kiểm toán nội bộ vào quá trình quản trị rủi ro của tổ chức.

TS. Trịnh Thanh Bình

Nguồn: TCNH số 24/2018

Xem phần tiếp theo:

Phần 2: Chuyển đổi hoạt động Kiểm toán nội bộ: sự cần thiết & giải pháp định hướng đối với các NHTM VN

Phần 3: Chuyển đổi hoạt động Kiểm toán nội bộ: sự cần thiết & giải pháp định hướng đối với các NHTM VN

 

Facebook0
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.