Cả nước có 1.292 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.220 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Theo đó, sản phẩm làm ra chất lượng ngày càng cao, bán tại khắp các siêu thị, xuất khẩu ra nước ngoài.
Sáng 9/12, tại buổi họp báo thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh HTX Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Triển lãm thành tựu phát triển kinh tế tập thể, HTX và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam – cho biết, 5 năm qua, Kinh tế tập thể, HTX tiếp tục đổi mới, phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng.
Nhiều loại hình, mô hình Kinh tế tập thể, HTX hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Đến cuối năm 2020, cả nước có 26.040 HTX (tăng 5.625 HTX so với năm 2015, tăng bình quân 3,6%/năm), 100 liên hiệp HTX và 119.000 tổ hợp tác; HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác thu hút 8,1 triệu thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn tham gia, tăng 4,5% so với năm 2015, tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập và sức mua của gần 30 triệu người.
Theo đó, có hơn 96% các HTX đã chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới; tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt 59% (tăng 3 lần so với năm 2015). Đặc biệt, cả nước có 1.292 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.220 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 6,8 lần so với năm 2015. Ngoài ra còn xây dựng 778 mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia.
“Khu vực Kinh tế tập thể, HTX đóng góp trực tiếp vào GDP của cả nước trung bình đạt khoảng 4,8%; đóng góp gián tiếp trên 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên”, ông Cường nói. HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác sản xuất và cung ứng cho thị trường từ 18-32% hàng lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, góp phần vào ổn định giá cả thị trường và kiềm chế lạm phát.
Ông Phó Mạnh Cường cũng cho biết, mục tiêu trong giai đoạn tới sẽ phát triển Kinh tế tập thể, HTX nhanh, hiệu quả và bền vững; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế và địa bàn, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với điều kiện của các địa phương, thu hút hộ cá thể tham gia HTX, tổ hợp tác, phát triển cả số lượng, quy mô, chất lượng và hiệu quả.
Bên cạnh đó, hướng HTX, liên hiệp HTX và tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường.
Xem thêm: Bất Ngờ Những Nông Dân Livestream Chuyên Nghiệp
Hàng năm, xây dựng từ 300-500 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng, phát triển hợp tác xã quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương thông qua việc tham gia thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, chương trình, nhiệm vụ về phát triển Kinh tế tập thể, HTX được Chính phủ, chính quyền địa phương giao…
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, sản xuất theo chuỗi giá trị là con đường tất yếu mà HTX đi. Các HTX phải liên kết với nhau, liên kết với doanh nghiệp để cùng phát triển.
“Tôi đã về đây công tác được 3 năm. Lúc mới về có tham dự hội trợ của HTX ở công viên Thống Nhất, nhìn hàng hóa lúc đó và so sánh với hàng hóa hiện tại mà HTX làm ra rất khác. Các sản phẩm của HTX làm ra, đặc biệt là sản phẩm nông sản chất lượng rất tốt, ngon, mẫu mã bắt mắt chứ không như trước nên bán được nhiều vào hệ thống siêu thị, còn xuất khẩu cả ra nước ngoài”, ông nói.
Cũng theo ông Bảo, mô hình HTX là mô hình kinh tế chia sẻ, liên kết chủ yếu ở vùng nông thôn, khi chúng ta làm tốt thì không những có sản phẩm chất lượng, giữ gìn bản sắc văn hóa, thậm chí còn đẩy mạnh được phát triển du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp.
Theo T.A
Nguồn: vietnamnet.vn