TBTCO) – Kiện toàn hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ, phát triển chức năng kiểm soát rủi ro, trên cơ sở đó từng bước thực hiện kiểm toán nội bộ… là một trong những điểm trọng tâm của cải cách, hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra mà Kho bạc Nhà nước Hòa Bình đang hướng tới để phù hợp với lộ trình phát triển kho bạc đến năm 2030.
Kiểm tra nội bộ chấn chỉnh nghiệp vụ kiểm soát chi
Từ năm 2015 đến nay, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hòa Bình đã tiến hành 65 cuộc kiểm tra nội bộ. Nội dung kiểm tra tập trung vào các nghiệp vụ kiểm soát chi có khả năng xảy ra rủi ro cao như việc quản lý các giao dịch điện tử qua KBNN; kiểm soát chi lương, phụ cấp, công tác chuyển nguồn ngân sách, kiểm soát chi mua sắm, sửa chữa.
Công tác kiểm tra giúp phát hiện sai sót để có biện pháp kịp thời và đưa ra các cảnh báo phòng ngừa rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ KBNN, góp phần duy trì, ổn định hoạt động của KBNN Hòa Bình. Kết quả kiểm tra nội bộ là cơ sở để lãnh đạo đơn vị chấn chỉnh nghiệp vụ kiểm soát chi tại đơn vị, giúp đơn vị được thanh tra, kiểm tra có ý thức chấp hành nghiêm về quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) hiệu quả, tiết kiệm, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về NSNN. Tuy nhiên, công tác kiểm tra nội bộ tại KBNN Hòa Bình vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Cụ thể, công tác kiểm tra mới chỉ tập trung chủ yếu vào kiểm tra việc tuân thủ chính sách, pháp luật, chế độ, quy chế, quy trình, kiểm tra sự chấp hành nguyên tắc, chính sách, chế độ mà chưa thực hiện kiểm tra theo định hướng rủi ro, ưu tiên nguồn lực để thực hiện kiểm tra các đơn vị, các hoạt động, quy trình nghiệp vụ được đánh giá có rủi ro cao.
Việc phát hiện những tồn tại chỉ dừng ở mức độ chấn chỉnh, khắc phục, chưa đưa ra được những kiến nghị, tư vấn cần thiết cho quá trình hoạt động của đơn vị KBNN được kiểm tra. Các kết luận kiểm tra đã đưa ra được cảnh báo rủi ro cho lãnh đạo và công chức trong công tác kiểm soát chi, nhưng vẫn chưa đủ mức độ răn đe.
Công chức làm công tác kiểm tra nội bộ chưa được chuẩn hóa về tiêu chuẩn trình độ năng lực, đạo đức, nghề nghiệp. Số lượng hồ sơ các đơn vị sử dụng ngân sách được kiểm tra hàng năm tại các KBNN trực thuộc chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với số đơn vị giao dịch qua kho bạc, nên nguy cơ còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ KBNN, chưa đánh giá được hoạt động của một đơn vị thông qua công tác thanh tra, kiểm tra.
Hơn nữa, công tác kiểm tra nội bộ tại KBNN có một số điểm tương đồng với hoạt động kiểm toán nội bộ, như mục đích là phát hiện, ngăn ngừa, xử lý những vi phạm pháp luật, quy chế, chế độ quản lý và đều là hoạt động kiểm tra sau khi công việc đã được thực hiện. Tuy nhiên, giữa kiểm tra nội bộ và kiểm toán nội bộ có sự khác nhau thể hiện cả trong hoạt động, mục đích, phương pháp tiến hành, nội dung và hình thức tiến hành…
Đơn cử như về hoạt động, kiểm toán nội bộ là hoạt động độc lập trong một tổ chức có chức năng kiểm tra, đánh giá, xác nhận và tư vấn giúp cho nhà quản lý cải thiện các hoạt động. Kiểm toán nội bộ ưu tiên nguồn lực để tập trung kiểm tra những quy trình, lĩnh vực có độ rủi ro cao.
Trong khi đó, kiểm tra nội bộ là hoạt động gắn liền với hoạt động của một cơ quan, tổ chức có chức năng kiểm tra, phát hiện các hoạt động chưa theo chuẩn mực, chế độ quy định, có kiến nghị xử lý đưa ra các hoạt động theo chuẩn mực…
Như vậy có thể thấy, phương pháp kiểm tra dựa trên rủi ro và ưu tiên nguồn lực để kiểm tra các lĩnh vực có độ rủi ro cao của kiểm toán nội bộ là phương pháp hiện đại, phù hợp với xu thế hiện nay bằng cách xác định các rủi ro trọng yếu và đưa ra các khuyến nghị, tư vấn cho nhà quản lý, khắc phục được những hạn chế của phương pháp kiểm tra truyền thống.
Hướng đến mô hình kiểm toán nội bộ
Để hướng đến mô hình kiểm toán nội bộ thì mô hình kiểm tra nội bộ hiện nay tại KBNN phải được thay đổi cả về tổ chức bộ máy, cách thức hoạt động, phương pháp tiến hành và năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức. Để làm tốt công tác này, KBNN Hòa Bình đã đề xuất một số giải pháp.
Cụ thể, KBNN cần xây dựng bộ máy tổ chức kiểm toán nội bộ phù hợp với quy mô, tổ chức của KBNN cấp tỉnh để đảm bảo vị thế, tính độc lập khách quan của kiểm toán nội bộ, không bị trùng lặp giữa chức năng kiểm tra và kiểm toán.
Về phạm vi của kiểm toán nội bộ, KBNN cần bao quát tất cả các hoạt động của đơn vị, đặc biệt là các nghiệp vụ thu, thanh toán liên ngân hàng, mua sắm tài sản, xây dựng cơ bản nội ngành…
Về nội dung, kiểm toán nội bộ, KBNN cần chú trọng tới kiểm toán hoạt động đánh giá hiệu quả quy trình kiểm soát, quản trị rủi ro, đánh giá hiệu quả, hiệu năng các hoạt động của đơn vị, đặc biệt là khung quản trị rủi ro. Ngoài các cuộc kiểm toán theo kế hoạch hàng năm, bộ phận kiểm toán nội bộ cần tham mưu cho lãnh đạo tăng số lượng các cuộc kiểm toán đột xuất, ngay cả khi không có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng và dấu hiệu rủi ro cao ở các đối tượng kiểm toán.
Về phương pháp, quy trình kiểm toán, cần chú trọng thực hiện phương pháp tiếp cận kiểm toán định hướng rủi ro một cách bài bản, thực chất. Ngoài ra, khi thực hiện kiểm toán cần tận dụng công nghệ thông tin (phần mềm ứng dụng), từ đó có thể kiểm toán toàn diện trên tổng thể mẫu, tránh được các rủi ro từ chọn mẫu kiểm toán.
Nâng cao trình độ của kiểm toán viên nội bộ
Hướng đến mô hình kiểm toán nội bộ, các kiểm toán viên nội bộ cần được trang bị những chuyên môn cơ bản về trình độ học vấn lẫn kinh nghiệm.
Về mặt học vấn phải có được các chứng chỉ bằng cấp theo quy định, có kinh nghiệm tham gia các hoạt động nghiệp vụ. Ngoài ra, kiểm toán viên nội bộ cần thông thạo về kỹ năng máy vi tính, hiểu biết nhiều các lĩnh vực khác nhau từ vĩ mô, pháp luật… để có kiến thức sâu rộng, dễ dàng lý giải các vấn đề có liên quan đến các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ của kho bạc.