Kiểm toán 11 dự án BOT năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đề nghị giảm chi phí đầu tư 507 tỷ đồng và giảm thời gian thu phí 56 năm của 7 dự án. Theo ông Phan Vinh Quang, Giám đốc Dự án USAID LEAP III tại Việt Nam, các dự án này chủ yếu chỉ định thầu nên cần có thiết chế bảo đảm chi phí hợp lý. “Giả sử toàn bộ chi phí công trình PPP đã đấu thầu công khai, nếu Kiểm toán Nhà nước lại kiểm toán và điều chỉnh giá thầu thì sẽ không ai tham gia đấu thầu, không ai cho dự án vay tiền và PPP sẽ thất bại”, ông Quang nói đồng thời khuyến cáo Việt Nam nên kiểm toán dự án PPP theo thông lệ quốc tế.
Dự án PPP không phải là tài sản công
Theo ông, Kiểm toán Nhà nước có nhất thiết phải tham gia kiểm toán dự án PPP hay không?
Ông Phan Vinh Quang: Với việc ban hành Luật Đầu tư theo phương thức công – tư (PPP), Việt Nam đã có 3 hình thức đầu tư là: Đầu tư công, đầu tư tư và đầu tư theo hình thức đối tác công – tư. Vai trò Kiểm toán Nhà nước trong dự án PPP do vậy dù cần thiết nhưng hoàn toàn không giống như trong các dự án đầu tư công.
Một số ý kiến cho rằng, dự án PPP bản chất là dự án đầu tư công nên Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư tư nhân. Quan điểm của ông như thế nào?
Quan niệm tài sản từ dự án PPP là tài sản công là không đúng.
Thứ nhất, ở nhiều dự án, 100% tài sản này hình thành từ vốn chủ sở hữu và vốn vay của nhà đầu tư. Chỉ một số ít dự án PPP có hỗ trợ của Nhà nước, mà cũng chủ yếu là cho phép nhà đầu tư nhận nhượng quyền khai thác dự án.
Thứ hai, trong quá trình xây dựng và vận hành, tài sản dự án luôn thế chấp tại tổ chức cho vay. Chỉ khi nào tài sản này được chuyển giao cho cơ quan nhà nước sau khi kết thúc thời hạn dự án BOT, lúc đó tài sản này mới thuộc về Nhà nước. Sau thời điểm đó, Kiểm toán Nhà nước mới nên thực hiện chức năng kiểm toán nhà nước đối với tài sản công. Trước đó, dù Kiểm toán Nhà nước không kiểm toán doanh nghiệp dự án nhưng báo cáo tài chính kiểm toán là cơ sở để các bên tiếp nhận và quản lý tài sản.
Trong khi đó, Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài sản công và tài chính công. Dự án đầu tư theo hình thức PPP không phải là dự án công và tài sản công như tôi đã nói ở trên, vì thế Kiểm toán Nhà nước không thể kiểm toán dự án PPP như dự án công.
Nếu cho phép Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ dự án PPP thì theo ông nhà đầu tư sẽ phản ứng như thế nào?
Giả sử toàn bộ chi phí công trình PPP đã đấu thầu công khai, hoạt động hiệu quả, nếu Kiểm toán Nhà nước lại kiểm toán chi phí của nhà đầu tư để điều chỉnh giá thầu thì có lẽ không có ai tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho dự án PPP vì giá thầu sau này có thể thay đổi. Và cũng không ai dám cho dự án vay tiền bởi rủi ro không trả được nợ sẽ rất cao. Như vậy thì PPP sẽ thất bại!
Hiện tại, Kiểm toán Nhà nước vẫn kiểm toán các dự án BOT giao thông đấy thôi, thưa ông?
Các dự án BOT giao thông hiện nay chúng ta vẫn cho Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán chi phí để xác định mức phí và thời gian thu phí. Một phần lý do là vì cơ sở pháp lý của PPP hiện là nghị định nên phải tuân thủ quy định đầu tư công; và PPP được coi như đầu tư công nên phải tuân thủ quy định về chi phí và định mức cho đầu tư công. Các dự án này chủ yếu thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, do vậy cần thiết chế bảo đảm mức chi phí hợp lý.
Kiểm toán Nhà nước kiểm toán ai?
Quốc hội sắp thảo luận về dự thảo Luật PPP. Một số đại biểu thống nhất với dự thảo Luật về việc Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP. Ý kiến của ông như thế nào?
Khi việc xác định nhà đầu tư dự án PPP trên cơ sở đấu thầu công khai có nghĩa phần chi phí đầu vào đã thực hiện theo cơ chế thị trường, vì vậy Kiểm toán Nhà nước sẽ không tập trung vào chi phí và tuân thủ các định mức như dự án đầu tư công.
Theo thông lệ quốc tế, Kiểm toán Nhà nước không kiểm toán doanh nghiệp dự án mà chỉ kiểm toán cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quy trình đấu thầu có minh bạch và hiệu quả theo quy định pháp luật không? Việc thực hiện dự án PPP có cung cấp đúng chất lượng và số lượng dịch vụ công theo hợp đồng không? Người dân được lợi gì từ dự án PPP? Từ đó, đánh giá về hiệu quả của dự án PPP. Những hoạt động này là hoạt động kiểm toán hậu kiểm thông thường của Kiểm toán Nhà nước với cơ quan nhà nước.
Tôi cho rằng dự thảo Luật PPP nên theo thông lệ quốc tế, quy định khi nào dự án PPP được bàn giao cho Nhà nước và trở thành tài sản công thì Kiểm toán Nhà nước mới vào cuộc. Kiểm toán Nhà nước không kiểm toán tài chính doanh nghiệp dự án và dự án PPP trước khi tài sản bàn giao cho Nhà nước.
Đối với một số dự án PPP khi vốn đầu tư công của Nhà nước tách thành dự án riêng tuân thủ quy định đầu tư công, lúc đó Kiểm toán Nhà nước có thể tiến hành kiểm toán dự án thành phần này như dự án đầu tư công. Việc này cần được các bên làm rõ và thống nhất ngay từ đầu để bảo đảm duy trì sổ sách, chứng từ và số liệu phục vụ công tác kiểm toán sau này.
Khi đó, Nhà nước căn cứ vào đâu để có bức tranh toàn cảnh về dự án PPP, thưa ông?
Chi phí đầu vào doanh nghiệp dự án căn cứ theo cam kết với bên cho vay. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng có thể đề nghị doanh nghiệp dự án thuê đơn vị kiểm toán độc lập tiến hành kiểm toán hoạt động tài chính doanh nghiệp và cung cấp cho mình báo cáo này. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng có thể yêu cầu doanh nghiệp dự án có báo cáo tài chính hàng năm và minh bạch doanh thu, ví dụ qua việc lắp đặt thiết bị thu phí không dừng…
Kết hợp kiểm toán tài chính do kiểm toán độc lập thực hiện và kiểm toán quy trình đấu thầu và đầu ra của dự án, Nhà nước sẽ có bức tranh toàn cảnh về dự án. Việc này cũng giúp tạo cơ chế hiệu quả giúp thu hút nhà đầu tư vào dự án PPP.
Xin cảm ơn ông!