Quang cảnh cuộc làm việc

Kiểm toán nhà nước đưa ra nhiều kiến nghị về hoàn thiện chính sách thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15

Tin tức chung
Facebook0
LinkedIn

(BKTO) – Các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá cao báo cáo của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã làm rõ nhiều nội dung, có nhiều kiến nghị liên quan đến hoàn thiện chính sách, xử lý trách nhiệm; là những căn cứ quan trọng giúp Đoàn giám sát trong quá trình tổng hợp cũng như kiến nghị với Quốc hội nhiều nội dung quan trọng liên quan đến Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Sáng 20/3, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với Bộ Giao thông Vận tải, Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ dự cuộc làm việc.

Quang cảnh cuộc làm việc
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: MINH THÀNH

Thăng tiến nghề nghiệp Kiểm toán Nội bộ với CIA (Certified Internal Auditor) [Khai giảng CIA: 11/05/2024]

Cơ chế đột phá, khả thi, hiệu quả

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã báo cáo tóm tắt việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã đưa ra các giải pháp, cơ chế đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả, chú trọng việc tạo động lực tăng trưởng mới cho nước ta.

Nêu rõ tác động của các cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc áp dụng cơ chế chỉ định thầu đã giúp rút ngắn trình tự, thủ tục, giảm thời gian lựa chọn nhà thầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đồng thời, song song các thủ tục đầu tư. Việc thực hiện cấp mỏ vật liệu cho các nhà thầu thi công giúp rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục khoảng 10 tháng so với quy trình thông thường, các nhà thầu chủ động được nguồn cung…

Bên cạnh đó, việc thực hiện phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố làm cơ quan chủ quản giúp các địa phương chủ động huy động hiệu quả nguồn lực của địa phương, tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh một số thủ tục đầu tư. Đến nay, các dự án thành phần phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Theo báo cáo của KTNN và Thanh tra Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, KTNN đã thực hiện 2 cuộc kiểm toán chuyên đề, 2 cuộc kiểm toán hoạt động. Thanh tra Chính phủ đã triển khai thanh tra các nội dung có liên quan đến một số dự án quan trọng quốc gia và thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ báo cáo tại cuộc làm việc.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ báo cáo tại cuộc làm việc. Ảnh: MINH THÀNH

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nêu rõ, qua kiểm toán, KTNN đánh giá cao các kết quả đạt được trong triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Trong đó, KTNN đề nghị, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án xử lý điều chỉnh giảm mức vốn của Chương trình đối với dự án phê duyệt điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư so với mức vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

KTNN cũng đề nghị Bộ Y tế rà soát, đánh giá lại chủ trương đầu tư của 8 dự án, bảo đảm các dự án này bám sát chính sách đầu tư phát triển y tế nêu tại Nghị quyết số 43/2022/QH15; đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất phương án sử dụng đối với kinh phí thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư, nhằm phát huy hiệu quả…

KTNN đã nêu rõ những hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai các dự án quan trọng quốc gia và kiến nghị xử lý tài chính 327,16 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác là 755,06 tỷ đồng.

Đối với thực hiện một số dự án quan trọng quốc gia, từ kết quả kiểm toán dự án sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020; dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, KTNN ghi nhận, một số dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã hoàn thành tuyến chính và đưa vào khai thác sử dụng góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị các tỉnh Nam Trung Bộ, từng bước hoàn thiện hạ tầng đường bộ.

Đánh giá việc tuân thủ pháp luật trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao các báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, KTNN và Thanh tra Chính phủ đã bám sát yêu cầu của của Đoàn giám sát.

Trong đó, báo cáo của KTNN và Thanh tra Chính phủ đã làm rõ nhiều nội dung, có nhiều kiến nghị liên quan đến hoàn thiện chính sách, xử lý trách nhiệm. Đây là những căn cứ quan trọng giúp Đoàn giám sát trong quá trình tổng hợp cũng như kiến nghị với Quốc hội nhiều nội dung quan trọng liên quan đến Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

Các thành viên Đoàn giám sát tham dự cuộc làm việc.
Các thành viên Đoàn giám sát tham dự cuộc làm việc. Ảnh: MINH THÀNH

Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, từ hoạt động thực tế, KTNN và Thanh tra Chính phủ bổ sung đánh giá về tính tuân thủ pháp luật trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về: thời hạn thực hiện, nghĩa vụ được giao, phân bổ nguồn lực (có đúng trật tự ưu tiên, nguyên tắc phân bổ hay không); các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình có đáp ứng yêu cầu về việc hấp thụ và vận hành ngay vào nền kinh tế hay không; quy định pháp luật nào tạo ra lỗ hổng, sơ hở trong quá trình thực hiện…

Với những nội dung trên, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ, KTNN đã làm rõ những câu hỏi, kiến nghị của thành viên Đoàn Giám sát đối với từng lĩnh vực do từng cơ quan phụ trách, quản lý và chịu trách nhiệm; đồng thời khẳng định sẽ khẩn trương trương bổ sung, hoàn thiện các nội dung báo cáo trên cơ sở bám sát yêu cầu Đề cương giám sát đề ra; đảm bảo chất lượng và các yêu cầu đề ra.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 đã phát huy hiệu quả tích cực. Một nguồn lực lớn của Chương trình và nguồn ngân sách nhà nước đã được dành để đầu tư các dự án quan trọng, cấp thiết, có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế – xã hội, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực giao thông.

Từ báo cáo của 3 cơ quan và các ý kiến tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải, KTNN, Thanh tra Chính phủ tiếp tục cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu theo ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá kỹ hơn hiệu quả, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế đặc thù (chỉ định thầu; khai thác mỏ vật liệu; giao các địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh, thành phố).

Nguồn: Báo kiểm toán 

Facebook0
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.