Trong khi hàng loạt doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính do những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thì những đại gia này đang nắm giữ hàng chục nghìn tỷ đồng tiền mặt và sẵn sàng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh khi cơ hội đến.
Thống kê từ Báo cáo tài chính quý III/2020 của các doanh nghiệp đang niêm yết (không bao gồm nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vốn là những ngành nghề đặc thù “kinh doanh tiền” có số dư tiền và dòng tiền luân chuyển cao) cho thấy, bất chấp dịch Covid-19 “kho tiền” (bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền) của nhiều doanh nghiệp vẫn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tập đoàn Vingroup của Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nắm giữ hàng tỷ USD tiền mặt
Báo cáo tài chính quý III/2020 của Tập đoàn Vingroup – Công ty CP (VIC) ghi nhận 35.990 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng, tổng doanh thu hợp nhất của Vingroup đạt 74.813 tỷ đồng.
Hiện Vingroup cũng đang sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ lên tới 35.275 tỷ đồng (hơn 1,5 tỷ USD tiền mặt), trong đó các khoản tương đương tiền bao gồm các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng tăng mạnh lên 20.366 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 9, Vingroup có tổng tài sản đạt 430.011 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 124.552 tỷ, tăng lần lượt 6,5% và 3,3% so với cuối năm 2019. Hiện Vingroup vẫn là doanh nghiệp tư nhân có quy mô tài sản lớn nhất thị trường và là doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa cao nhất sàn HoSE, với quy mô hơn 340.600 tỷ (chiếm 10,52% vốn hóa sàn HoSE).
ACV vẫn nắm giữ lượng tiền mặt khủng
Dù vẫn bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, hoạt động kinh doanh quý III của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phục hồi đáng kể so với quý trước đạt doanh thu hơn 1.440 tỷ đồng.
Trong quý, ACV đạt lợi nhuận sau thuế 138,5 tỷ đồng. Như vậy, luỹ kế 9 tháng đầu năm, ACV lãi 1.366 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, số lãi này giảm hơn 75,5%.
Tính đến hết quý III, tổng tài sản của ACV đạt hơn 58.100 tỷ đồng, trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn là 33,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần 2.500 tỷ đồng với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương khoảng 580 tỷ đồng. Nhờ khoản tiền gửi khổng lồ, ACV thu về 541 tỷ trong quý III và hơn 1.600 tỷ đồng từ đầu năm.
VEAM hụt thu lợi nhuận ở công ty liên kết, tăng nắm giữ tiền mặt
Báo cáo tài chính quý III/2020 của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) ghi nhận doanh thu thuần 909 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 108 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của VEAM tiếp tục phụ thuộc chủ yếu vào khoản lợi nhuận tại công ty liên doanh liên kết, đáng kể nhất là liên doanh với Honda Việt Nam. Trong quý III, khoản này đạt 1.372,5 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ, do đó, VEAM báo lãi sau thuế 1.576 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 2.668 tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm 25% xuống 3.853 tỷ đồng và hoàn thành 57% kế hoạch cả năm.
Tại thời điểm 30/9, VEAM có 17.672 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Đây vẫn là một trong những doanh nghiệp nhiều tiền nhất trên sàn chứng khoán, chiếm đến 56% tổng tài sản.
Vinamilk tăng mạnh đầu tư tài chính ngắn hạn
Doanh thu thuần quý III/2020 của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk (VNM) đạt 15.563 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2020, doanh thu thuần hợp nhất đạt 45.211 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2019 và hoàn thành 76% kế hoạch năm.
Tính đến ngày 30/9/2020, tiền và các khoản tương đương tiền của VNM giảm 329 tỷ đồng còn gần 2.336 tỷ đồng (trong đó tiền gửi ngân hàng giảm mạnh từ 2.376 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn hơn 994 tỷ đồng). Tuy nhiên, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp tăng rất mạnh từ 12.436 tỷ đồng hồi đầu năm lên thành 17.872 tỷ đồng cuối quý III.
Xem thêm: Doanh Nghiệp Nào Phát Hành Trái Phiếu Nhiều Nhất
“Vua thép” Trần Đình Long ghi nhận lợi nhuận kỷ lục
Quý III/2020, Tập đoàn Hòa Phát đạt 24.900 tỷ đồng doanh thu tăng 62,7% và 3.785 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt 65.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên tới 8.845 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 56% so với cùng kỳ 2019, cao nhất từ trước tới nay.
Hiện Tập đoàn của “vua thép” Trần Đình Long cũng nắm giữ lượng tiền mặt khổng lồ lên tới 14.418 tỷ đồng, trong đó tiền mặt và các khoản tương đương tiền là 5.628 tỷ đồng và 8.790 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn.
Đại gia Nam Định cũng nắm giữ hàng chục nghìn tỷ đồng tiền nhàn rỗi
Quý III/2020, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài đạt doanh thu 25.713 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 951 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, MWG đạt doanh thu thuần hợp nhất là 81.352 tỷ đồng, tăng 6%, lợi nhuận sau thuế là 2.978 tỷ đồng, tăng 0,05% so với cùng kì.
Đáng chú ý, về mặt tài chính tổng lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn của doanh nghiệp lên đến 13.188 tỷ đồng vào thời điểm cuối quý III, tăng mạnh so với con số 6.252 tỷ đồng hồi đầu năm nay.
Công ty đặt mục tiêu có 100 cửa hàng bách hóa doanh thu 5 tỷ/tháng vào cuối năm 2020. Song song với chiến lược mở rộng kinh doanh ở khu vực nông thôn, tập đoàn bán lẻ này cũng đang rốt ráo mở rộng tại thị trường Campuchia.
Theo Trung Kiên (Dân Việt)