Trong cuộc sống chúng ta thường rơi vào tình huống khó xử “nhiều hơn một chút không được, ít hơn một tí không xong”. Vậy rốt cục phải làm thế nào để nắm bắt đúng chừng mực?
Tăng Quốc Phiên, quan viên trong triều Mãn Thanh từng có một trợ tá tên là Lê Mi Sinh, tài năng xuất chúng, làm việc linh hoạt.
Hôm đó, Lê Mi Sinh tình cờ xem được một bài Nho giáo, người viết đề cao quá mức phẩm chất cao thượng của bản thân, không bị lay động bởi cám dỗ bên ngoài. Lê Mi Sinh cảm thấy người viết quá hoang đường, thế là ông buông lời chế giễu.
Tăng Quốc Phiên sau khi biết chuyện, vô cùng tức giận nói: “Ta cũng biết người này lời nói và hành động khác xa nhau, nhưng ngươi vạch trần như vậy là đang xúc phạm người ta và chỉ khiến bản thân mình gặp thêm rắc rối mà thôi”.
Nước trong thì không có cá, thẳng thắn quá thì không ai chơi. Làm người đôi khi phải giấu sự khôn ngoan trong chính cái ngốc nghếch.
Trong cuộc sống, những người mà bạn không quen, những việc mà bạn không biết làm, thì tốt nhất đừng cố tỏ ra thân thiện và chăm chỉ, nó chỉ càng rước thêm phiền phức cho bạn thôi.
Làm người cần 3 phần giả ngốc, để tiêu tan đi những muộn phiền, yên ổn cả đời.
7 phần tỉnh táo còn lại để nắm giữ những thứ quan trọng nhất trong cuộc sống.
Ba năm trước khi Sở Trang Vương lên ngôi, tình hình nước Sở hỗn loạn, các thế lực chia bè kết phái, lực lượng hùng hậu. Để đàn áp những cuộc nổi loạn, Sở Vương cố tình ung dung thưởng rượu, không màng chính sự. Mọi người nghĩ rằng ông là một hôn quân, nên lơ là cảnh giác. Thực ra, ông đang âm thầm tìm hiểu thế cục nước Sở, tìm hiểu nhân tài kiệt xuất. Đợi đến khi cơ hội chín muồi, ông lập tức chỉnh đốn thiên hạ, lập ra triều đại thái bình.
Làm người đôi khi phải giả vờ ngốc nghếch, nhưng phải tỉnh táo trong chính sự ngốc nghếch ấy. Nhất là trong kinh doanh hay lập nghiệp luôn chứa đầy những cám dỗ, lúc này đòi hỏi ta phải tỉnh táo đúng cách. Cuộc sống là những con đường, bằng phẳng có, gập ghềnh có, cần có một bản lĩnh và sự đánh đổi.
Mối quan hệ giữa người với người cũng vậy. Có những lúc sự thật quá rõ ràng, thay vì nói thẳng, tại sao bạn không sử dụng 3 phần ngốc nghếch kia để mỉm cười quay đi.
Trong cuộc sống, nếu lấy việc “giả ngốc” là tiêu chuẩn làm người thì bạn sai rồi, bạn sẽ không bao giờ làm lên đại sự được đâu. Hoặc giả ngốc không đúng lúc, cũng chỉ làm bạn rơi vào hố sâu của khó khăn mà thôi.
3 phần dựa may mắn, 7 phần dựa chính mình
Trong cuốn sách “Outliers” (tạm dịch: Những kẻ xuất chúng), nhà văn Malcolm Gladwell từng viết rằng: “Thiên tài trong mắt mọi người thật phi phàm, nhưng sự phi phàm ấy được đánh đổi bởi sự nỗ lực không ngừng. Quy tắc 10.000 giờ là điều kiện cần thiết để bất kì ai muốn thay đổi từ người bình thường thành bậc vĩ nhân”.
Với chúng ta, 10.000 giờ ấy có thể được tính là 8 giờ làm việc mỗi ngày, và cố gắng trong vòng ít nhất 5 năm để trở thành một người thành công.
Nữ diễn viên, ca sĩ nổi tiếng Trung Quốc -Vương Tuyền đã không cầm được nước mắt khi kể về cuộc đời cô trong một chương trình phỏng vấn người nổi tiếng. Năm đó, Vương Tuyền 11 tuổi, vì đam mê kinh kịch và sự hiếu kì với cuộc sống bên ngoài, cô quyết định rời xa ba mẹ, bắt đầu 7 năm dài đằng đẵng trong học viện kinh kịch.
“Lúc chia tay ba mẹ, tôi không dám quay đầu nhìn lại. Mẹ đã đứng ngoài lớp học rất lâu rồi mới bỏ đi. Khi về tới kí túc xá, nhìn thấy hai túi đồ mẹ chuẩn bị cho tôi, nước mắt tôi cứ thế lã chã rơi”. Trong 7 năm đó, bất kể cái lạnh khắc nghiệt hay cái nóng gay gắt, trời mưa hay nắng, cô đều thức dậy từ 6 giờ để luyện tập.
Nhiều khi, thứ quyết định thành công của một người không phải là IQ, EQ, hứng thú, mối quan hệ hay dũng khí, mà lại chính là sự nỗ lực. Sự cố gắng không ngừng đã mang đến một Vương Tuyền như ngày nay.
Đời người cũng thế, 3 phần dựa vào may mắn, 7 phần phải dựa vào chính sự nỗ lực của bản thân.
Cuộc sống ném cho bạn một kịch bản, điều duy nhất bạn phải làm là cố gắng hết mình để diễn tròn vai diễn.
Trên con đường thành công, bất luận bạn đang sải những bước dài hay chậm rãi, thì chỉ cần kiên trì và nỗ lực, thành công chắc chắn sẽ cách bạn không xa.
3 phần vì người, 7 phần vì mình
Khi ai đó hiểu và biết nghĩ cho người khác, chắc chắn sẽ nhận được sự tôn trọng. Nhưng nếu chỉ một lòng vì người khác mà không quan tâm đến bản thân, thì chỉ khiến người ta vui vẻ, còn mình thì thêm buồn mà thôi.
Cố Mạn Lộ là nhân vật có số phận bi thảm nhất được nhà văn Trương Ái Linh xây dựng lên trong tác phẩm của mình. Năm 17 tuổi, cha của Mạn Lộ đột ngột qua đời. Lúc đó, trong nhà có bà đã già yếu, mấy đứa em thơ và người mẹ không giỏi kiếm tiền. Vì gia đình, Mạn Lộ buộc phải chia tay mối tình đầu với Trương Dự Cẩn, tủi nhục làm một vũ nữ. Người em trai coi thường và chỉ trích cô, dù muốn tát cho nó một cái, nhưng cô vẫn phải nhẫn nhịn. Vừa tiếp tục mưu sinh lo cho gia đình, vừa tính toán sau này các em đi học, Mạn Lộ lên kế hoạch cho tất cả mọi người trong nhà, mà quên không lên kế hoạch cho chính cuộc đời mình, để rồi cuối cùng chính sự giày vò và trách móc đã cướp đi sinh mạng của cô.
Cuộc đời là một vở kịch dài không hề dễ dàng. Mỗi người đều có vai diễn của riêng mình. Nếu bạn chỉ chăm chăm nghĩ cho người khác, thì không thể quan tâm nổi bản thân mình nữa.
Như nhà văn Lý Nguyệt Lương từng nói: “Bạn hãy sống như một ánh mặt trời, bởi khi đó bạn mới có thể đem ánh sáng của mình chiếu rọi cho tất cả mọi người”.
Trong đối nhân xử thế, hãy bỏ ra 3 phần vì người khác, bởi vì ai cũng có lúc gặp khó khăn. Ba phần tình nghĩa đủ để sưởi ấm trái tim người ta, còn bản thân mình cũng không vì cho đi quá nhiều mà phải dấn thân vào vũng bùn của cuộc sống.
7 phần là vì mình, dù bước lên thảm đỏ hay đạp vào chông gai cũng chỉ có thể dựa vào chính mình. Mọi người đều có cuộc sống và khó khăn riêng của họ. Vào thời khắc then chốt nhất, người có thể đưa bạn ra khỏi bóng tối, mãi mãi chỉ là bạn mà thôi.
3+7=0
Đời người tựa như một vòng tròn, nếm đủ yêu hận rồi cuối cùng cũng quay về điểm xuất phát ban đầu, và thứ tốt nhất, phù hợp nhất là tượng trưng của con số 0 tròn trĩnh.
3 phần ngốc nghếch, 7 phần tỉnh táo: Để tu thân dưỡng tính, sống thực tế hơn.
3 phần dựa may mắn, 7 phần dựa chính mình: Để xây dựng sự nghiệp, làm lên đại sự.
3 phần vì người, 7 phần vì mình: Để sống vì mình, để tồn tại và tự do.
Bất luận thế nào, đừng bao giờ quên nguyên tắc “3+7”, nắm chắc được thì dù có gió to bão lớn, chúng ta vẫn giữ vững con thuyền lèo lái đến tương lai.