Quy định mới về kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp hiện nay

Kiểm Toán Nội Bộ Tin Kế Toán - Tài Chính
Facebook0
LinkedIn

Kiểm toán nội bộ được xem là tuyến phòng thủ cuối cùng của doanh nghiệp, có vai trò hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng phó với các rủi ro, tận dụng cơ hội để tối ưu hóa kết quả hoạt động. Tại Việt Nam, nhiều yếu tố khiến cho kiểm toán nội bộ chưa được nhận thức và quan tâm một cách đầy đủ, đúng mức. Vì vậy, xây dựng và phát triển kiểm toán nội bộ theo thông lệ quốc tế là xu hướng tất yếu ở Việt Nam. Nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm toán nội bộ, ngày 22/1/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2019/NĐ-CP quy định về kiểm toán nội bộ, trong đó có một số quy định về kiểm toán nội bộ tại doanh nghiệp với nhiểu nội dung đổi mới quan trọng.

Vai trò “chốt chặn” của kiểm toán nội bộ

Những năm 1940, kiểm toán nội bộ (KTNB) bắt đầu hình thành và phát triển trên thế giới cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Theo đó, nhiệm vụ của kiểm toán viên nội bộ đã thay đổi từ việc xem xét những sai lầm và ngăn ngừa gian lận sang phân tích hoạt động và quản lý của công ty. Từ những năm 1980, KTNB đã mở rộng đáng kể để đối phó với sự biến động ngày càng tăng do toàn cầu hóa, các dự báo về công nghệ, các vụ gian lận, sự gia tăng của cạnh tranh và phức tạp trong môi trường kinh doanh (Grabmann., E. và Hofer., D. ,2014). Cuối thế kỷ XX, hiểu biết về KTNB đã có nhiều thay đổi khi KTNB được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò chủ động hơn trong môi trường kinh doanh luôn thay đổi. KTNB được xem là tuyến phòng thủ cuối cùng của DN, có vai trò hỗ trợ DN trong việc ứng phó với các rủi ro, tận dụng cơ hội để tối ưu hóa kết quả hoạt động. Thậm chí, tại một số nước có thị trường chứng khoán phát triển như: Hoa Kỳ, Australia, các công ty niêm yết đều được yêu cầu phải có KTNB hiệu quả như một phần của cấu trúc quản trị. Điều này được ghi nhận rõ ràng trong các điều luật quan trọng như Đạo luật Sarbenes – Oxley (2002) của Hoa Kỳ.

Những năm gần đây, sau các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và các vụ bê bối liên quan đến sự sụp đổ của các công ty và tập đoàn lớn, vai trò của KTNB được quan tâm ngày càng tăng, KTNB trở thành cơ chế quản trị DN trung tâm, kiểm toán viên nội bộ được coi là những người chủ chốt trong tổ chức. Chức năng KTNB đã trở thành nhu cầu tất yếu đối với hoạt động quản trị DN, kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro của các DN trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, KTNB vẫn còn khá mới mẻ, chưa được nhận thức và đầu tư đúng mức; chưa được tổ chức một cách bài bản và có hệ thống theo chuẩn quốc tế. Khuôn khổ pháp lý về kiểm soát và KTNB mới chỉ tập trung vào các DN đặc thù. Đến nay, Việt Nam mới chỉ có quy định trách nhiệm của đơn vị có lợi ích công chúng trong việc xây dựng và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB), tổ chức KTNB trong Luật Kiểm toán độc lập 2011, đề cập đến KTNB trong Luật Kế toán 2015…

Đối tượng, nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ

Ngày 22/1/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2019/NĐ-CP quy định về KTNB, trong đó có một số quy định về KTNB tại DN. Theo đó, đối với công tác KTNB đối với các DN, các đơn vị sau đây phải thực hiện công tác KTNB: Công ty niêm yết; DN mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con; DN nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Các DN không thuộc đối tượng trên được Nhà nước khuyến khích thực hiện công tác KTNB.

Các DN phải thực hiện KTNB theo quy định có thể đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện hoạt động kiểm toán theo quy định của pháp luật để cung cấp dịch vụ KTNB. Trường hợp DN đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập để cung cấp dịch vụ KTNB phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của KTNB và các yêu cầu nhằm đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của KTNB quy định tại Nghị định này.

Theo Nghị định số 05/2019/NĐ-CP, các nguyên tắc cơ bản của KTNB: Tính độc lập; Tính khách quan và tính tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động KTNB (xem bảng 2). Nhằm đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của KTNB, các yêu cầu được đặt ra. Cụ thể, người làm công tác KTNB phải có thái độ công bằng, khách quan, không định kiến. Người làm công tác KTNB có quyền và nghĩa vụ báo cáo về các vấn đề có thể ảnh hưởng đến tính độc lập và khách quan của mình liên quan đến công việc KTNB được giao.. Người làm công tác KTNB phải đảm bảo tính độc lập và khách quan. Trường hợp tính độc lập hoặc khách quan bị ảnh hưởng hoặc có thể bị ảnh hưởng, người làm công tác KTNB phải báo cáo cho cấp quản lý trực tiếp hoặc phải báo cáo cho các đối tượng quy định hoặc người được ủy quyền của các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định này.

Trong công tác KTNB, DN phải thực hiện quy định dưới đây nhằm đảm bảo tính độc lập và khách quan, ngăn ngừa sự thiếu công bằng, định kiến và xung đột lợi ích: Người làm công tác KTNB không thực hiện kiểm toán đối với quy định, chính sách nội bộ, thủ tục, quy trình mà mình là người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng quy định, chính sách nội bộ, thủ tục, quy trình đó; Người làm công tác KTNB không có những xung đột về quyền và lợi ích kinh tế với đơn vị, bộ phận được kiểm toán; người làm công tác KTNB không được thực hiện kiểm toán đối với đơn vị, bộ phận mà người điều hành đơn vị, bộ phận đó là người có liên quan của mình; Người làm công tác KTNB không được tham gia kiểm toán các hoạt động, các bộ phận mà mình chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động hoặc quản lý bộ phận đó trong thời hạn 03 năm kể từ khi có quyết định không thực hiện hoạt động hoặc quản lý bộ phận đó; DN phải có biện pháp kiểm tra nhằm đảm bảo tính độc lập và khách quan của công tác KTNB ngay trong quá trình thực hiện kiểm toán tại đơn vị, bộ phận được kiểm toán và trong giai đoạn lập, gửi báo cáo kiểm toán; Phạm vi, chu kỳ và phương pháp kiểm toán, quy trình kiểm toán phải đảm bảo kết quả kiểm toán phản ánh đúng thực trạng các nội dung được kiểm toán; Các ghi nhận kiểm toán trong báo cáo KTNB phải được phân tích cẩn trọng và dựa trên cơ sở các dữ liệu, thông tin thu thập được để đảm bảo tính khách quan.

Nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ

Theo Nghị định số 05/2019/NĐ-CP, trong quá trình thực hiện công tác kiểm toán và tư vấn, người làm công tác KTNB phải đảm bảo thực hiện đúng và duy trì các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp KTNB theo các tiêu chí sau đây:

Thứ nhất, tính chính trực: Người làm công tác KTNB phải thực hiện các công việc chuyên môn với sự trung thực, tính cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm; Tuân thủ các quy định pháp luật và công bố các thông tin cần thiết theo yêu cầu của pháp luật và yêu cầu chuyên môn của KTNB; Không tham gia các hoạt động phi pháp hay tham gia các hoạt động làm tổn hại đến uy tín của nghề nghiệp, uy tín của DN.

Thứ hai, tính khách quan: Người làm công tác KTNB phải thể hiện mức độ cao nhất về tính khách quan chuyên môn trong việc thu thập, đánh giá và trao đổi thông tin về các hoạt động và quy trình được kiểm toán. Người làm công tác KTNB được đưa ra các đánh giá khách quan về tất cả các tình huống liên quan và không bị ảnh hưởng chi phối từ các lợi ích cá nhân hoặc từ bất kỳ ai trong việc đưa ra các xét đoán và kết luận của mình.

Thứ ba, năng lực chuyên môn và tính thận trọng: Người làm công tác KTNB áp dụng các kiến thức, các kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn trong côngtác KTNB. Đồng thời hành động một cách thận trọng, phù hợp với các chuẩn mực nghề nghiệp và kỹ thuật được áp dụng.

Thứ tư, tính bảo mật: Người làm công tác KTNB phải tôn trọng các giá trị và quyền sở hữu của các thông tin được cung cấp và không tiết lộ các thông tin này nếu không được phép của các cấp có thẩm quyền trừ khi việc tiết lộ thông tin thuộc trách nhiệm chuyên môn hoặc theo yêu cầu của luật pháp.

Thứ năm, tư cách nghề nghiệp: Người làm công tác KTNB phải tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan, tránh bất kỳ hành động nào làm giảm uy tín nghề nghiệp của mình.

Người phụ trách KTNB ngoài việc đảm bảo các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp trên, còn phải có biện pháp theo dõi, đánh giá, quản lý nhằm đảm bảo người làm công tác KTNB tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp KTNB.

Trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp đối với kiểm toán nội bộ

Đối với HĐQT, HĐTV, Chủ tịch công ty: Có trách nhiệm ban hành quy chế về KTNB của đơn vị; Tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo bộ phận KTNB thực hiện đầy đủ các quyền hạn và nhiệm vụ theo quy định; Rà soát, kiểm tra, đánh giá hiệu lực và hiệu quả của bộ phận KTNB; chịu trách nhiệm chính về việc đảm bảo chất lượng hoạt động KTNB; Trang bị các nguồn lực cần thiết cho bộ phận KTNB; Quyết định việc thực hiện các kiến nghị của KTNB; Đôn đốc, theo dõi các bộ phận thực hiện kiến nghị của KTNB; có biện pháp xử lý kịp thời khi có các kiến nghị, đề xuất của KTNB; Phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch KTNB hàng năm đảm bảo kế hoạch KTNB được định hướng theo rủi ro…

Đối với Tổng giám đốc (Giám đốc) DN: Tạo điều kiện thuận lợi để KTNB thực hiện nhiệm vụ được giao và chỉ đạo các bộ phận thực hiện phối hợp công tác với KTNB theo quy định của quy chế về KTNB; Đôn đốc các đơn vị, các bộ phận thực hiện những kiến nghị đã thống nhất với bộ phận KTNB hoặc theo chỉ đạo của HĐQT, HĐTV; Thông báo cho bộ phận KTNB tình hình thực hiện những kiến nghị đã thống nhất với bộ phận KTNB; Đảm bảo bộ phận KTNB được thông báo đầy đủ về các thay đổi, những vấn đề phát sinh mới trong hoạt động của đơn vị nhằm xác định sớm những rủi ro liên quan…

Kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm

Căn cứ mục tiêu, chính sách, quy mô, mức độ rủi ro của các hoạt động và nguồn lực hiện có, bộ phận KTNB xây dựng kế hoạch KTNB hàng năm, bao gồm phạm vi kiểm toán, đối tượng kiểm toán, các mục tiêu kiểm toán, thời gian kiểm toán và việc phân bổ các nguồn lực. Kế hoạch KTNB hàng năm của DN phải đáp ứng các yêu cầu sau: Định hướng theo mức độ rủi ro: những nghiệp vụ/bộ phận điều hành, tác nghiệp có rủi ro cao phải được kiểm toán ít nhất mỗi năm một lần; Phải dự phòng quỹ thời gian đủ để thực hiện các cuộc kiểm toán đột xuất ngay khi có yêu cầu hoặc khi có các thông tin về dấu hiệu sai phạm, dấu hiệu rủi ro cao ở các đối tượng kiểm toán. Kế hoạch KTNB hàng năm của đơn vị có thể được điều chỉnh khi có thay đổi cơ bản về quy mô hoạt động, diễn biến rủi ro hay nguồn lực hiện có.

Kế hoạch KTNB cho năm tiếp theo phải được gửi cho: HĐQT, Ban kiểm soát đối với công ty niêm yết; HĐQT, Ban kiểm soát đối với DN mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con; HĐTV, Chủ tịch công ty, Ban kiểm soát đối với DN nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con; Các bộ phận khác theo quy định của Quy chế KTNB của đơn vị. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch kiểm toán là: HĐQT đối với công ty niêm yết; HĐQT đối với DN mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con…

Nguồn tapchitaichinh

Facebook0
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.