Ngày nay, kiểm toán nội bộ được xem như một bộ phận không thể thiếu trong hoạt động quản lý tài chính chính phủ, là một công cụ hiệu quả nhằm cải thiện hoạt động của khu vực nhà nước. Tại các nước OEDC (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), yêu cầu nâng cao trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong hoạt động của chính phủ đã khiến các quốc gia này quan tâm nhiều hơn đến chức năng kiểm toán nội bộ. Trên cơ sở nghiên cứu mô hình KTNB của các nước OECD, bài viết chỉ ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển KTNB trong các cơ quan, tổ chức nhà nước.
1. Mô hình kiểm toán nội bộ của các nước OECD
Mặc dù, việc xây dựng và phát triển kiểm toán nội bộ trong các nước OECD là khá đa dạng nhưng đều thuộc vào một trong hai mô hình chính: (1) mô hình tập trung và (2) mô hình phi tập trung.
Trong mô hình tập trung, Bộ Tài chính không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc lập dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách cho các Bộ, mà còn can thiệp vào các hoạt động kiểm soát cũng như cử nhân viên của mình trực tiếp làm việc tại các Bộ. Theo mô hình này, Tổng Thanh tra trong Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát thu – chi tài chính công của chính phủ và báo cáo trực tiếp lên Bộ Tài chính về kết quả kiểm soát của mình. Tuy nhiên, mỗi Bộ, ngành cũng có các kiểm toán viên nội bộ hay còn gọi là các Chánh Thanh tra. Mô hình này thường được thấy ở Pháp, Bồ Đào Nha, Luxembourg và Tây Ban Nha.
Trong mô hình phi tập trung, mỗi Bộ sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc chi tiêu ngân sách của mình và đảm bảo thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát cách thức chi tiêu một cách hợp lý. Theo mô hình này, các Bộ, ngành không phải chịu sự kiểm soát bên ngoài của Bộ Tài chính. Các hoạt động ngoại kiểm được hợp nhất vào quy trình thực hiện ngân sách của các Bộ, ngành. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng và ban hành các chuẩn mực về hoạt động kiểm toán nội bộ. Mô hình này được áp dụng ở Anh và Hà Lan.
Tuy nhiên, trên thực tế, có những quốc gia thuộc OECD lại áp dụng hỗn hợp hai mô hình trên.
a. Mô hình kiểm toán nội bộ của Pháp
Mô hình KTNB của Pháp thiên về mô hình tập trung. Tại Pháp, Tổng Thanh tra Tài chính là kiểm toán viên nội bộ của Bộ Tài chính, không chỉ kiểm tra hoạt động của Bộ Tài chính mà còn kiểm soát toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết các Bộ, ngành đều có kiểm toán viên nội bộ riêng. Các kiểm toán viên này chịu sự quản lý của Ban Quản lý thuộc Bộ và phải gửi báo cáo về hoạt động của mình cho Ban này. Chức năng kiểm toán nội bộ do “các kế toán công” thực hiện và được quản lý tập trung. Hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của kiểm toán viên nội bộ do Cơ quan Kiểm toán Nhà nước của Pháp thẩm định. Đồng thời, các Tổng thanh tra cũng thực hiện chức năng giám sát hoạt động của kiểm toán nội bộ. Tổng Thanh tra Tài chính gửi báo cáo trực tiếp cho Bộ trưởng Bộ Tài chính về hoạt động của các cơ quan, tổ chức nhà nước và thực hiện chức năng kiểm tra tổng thể, mà không dừng lại ở chức năng kiểm toán tính tuân thủ. Bên cạnh đó, ở Pháp còn có 21 Chánh Thanh tra chịu trách nhiệm kiểm tra hoạt động tài chính các Bộ, ngành và các chương trình cụ thể (ví dụ chương trình giáo dục, y tế, an ninh…). Tương tự như Tổng Thanh tra Tài chính, các Chánh Thanh tra đóng vai trò giám sát và điều tra cũng như thực hiện những nghiên cứu và điều tra chuyên đề.
Ngoài ra, mỗi Bộ còn có một Kiểm soát viên Tài chính thực hiện vai trò tiền kiểm. Không có một hoạt động tài chính nào thực hiện được mà không có sự thông qua của kiểm soát viên này. Các kiểm soát viên này là cán bộ do Bộ Tài chính cử đến các Bộ để thực hiện kiểm soát việc chấp hành ngân sách của các Bộ, ngành. Sự xuất hiện của các kiểm soát viên này khiến vai trò của kiểm toán nội bộ trở nên hạn chế hơn, mặc dù các Bộ lớn (ví dụ, Bộ Xã hội, Bộ Giao thông, Bộ Nội vụ) đều có bộ phận kiểm toán nội bộ thực hiện chức năng điều tra. Hoạt động của các kiểm soát viên này thường được kết hợp với hoạt động của Tổng Thanh tra Tài chính, còn Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Pháp chịu trách nhiệm ngoại kiểm, có vai trò báo cáo lên Tổng thống về các vấn đề quản lý tài chính và hàng năm trình bày sổ sách tài chính trước Quốc hội.
Xem thêm: Quy Định Mới Về Kiểm Toán Nội Bộ Tại Các Doanh Nghiệp Hiện Nay
b. Mô hình kiểm toán nội bộ của Bồ Đào Nha
Giống như Pháp, Bồ Đào Nha cũng áp dụng mô hình kiểm toán nội bộ tập trung. Trách nhiệm kiểm soát tài chính của tất cả các cơ quan nhà nước được thực hiện một cách tập trung. Tổng Thanh tra Tài chính của Bồ Đào Nha chịu trách nhiệm kiểm soát tổng thể đối với việc thu – chi tài chính công. Ban Giám đốc Ngân sách chung chịu trách nhiệm thực hiện ngân sách nhà nước; Hiệp hội quản lý Tài chính về An ninh xã hội chịu trách nhiệm đối với ngân sách an ninh xã hội.
Chánh Thanh tra của mỗi Bộ, ngành thực hiện chức năng kiểm soát nội bộ của ngành; tập trung hoạt động kiểm soát nội bộ tại các đơn vị hoạt động. Bộ phân kiểm toán của các đơn vị hoạt động chịu trách nhiệm thực hiện chức năng kiểm toán nội bộ và tập trung vào việc kiểm tra các hoạt động quản lý. Kết quả mà bộ phận kiểm toán này thu được sẽ trở thành đầu vào cho các cuộc kiểm toán cấp cao hơn.
Ths. Đặng Thị Hoàng Liên
Nguồn:khoahockiemtoan
Xem phần tiếp theo:
Phần 2: Kiểm toán nội bộ tại một số nước OECD (P.2)
Phần 3: Kiểm toán nội bộ tại một số nước OECD (P.3)